Từng là một công tố viên, luật sư, ông Kwon Yong-suk làm việc gần 100 giờ/tuần liên tục trong vòng 6 tháng. Hệ quả là ông đã bị nghiện thuốc, loét dạ dày, uống nhiều rượu và làm việc rất khuya. Khoảng thời gian đó, ông Kwon Yong-suk trở nên kiệt sức và đó cũng chính là thời điểm ông bắt đầu tự hỏi liệu biệt giam trong nhà tù có thể là một giải pháp cho tình trạng của mình.

Một người bạn làm quản ngục nói với ông rằng việc tình nguyện ở trong một phòng giam thực sự đòi hỏi quá nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Vì thế, vào năm 2002, ông Kwon đã nảy ra ý tường về một trung tâm thiền định giống như nhà tù, nơi những người như ông có thể tìm thấy sự tĩnh mịch và yên bình.

 


Khu nghỉ dưỡng, trung tâm thiền định Prison Inside Me của ông Kwon chính thức mở cửa 11 năm sau đó ở Gangwon, một vùng nông thôn gần Seoul. Khách hàng khi đến với nơi này trong hai ngày và sẽ bị khóa trong một phòng giam từ 1:45 chiều đến 9:45 sáng hôm sau. Trước khi bị nhốt trong phòng giam, những người tham gia sẽ chào hỏi nhau và chia sẻ câu chuyện của mình với những người khác.

Khu nghỉ dưỡng gồm có 28 phòng giam giống nhau. Họ không được sử dụng email, điện thoại, và vô số các phương tiện tiêu khiển khác của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, mỗi phòng đều có một sàn gỗ lắp sưởi, một cửa sổ, một bộ ấm chén để uống trà, một thảm tập yoga, một bàn nhỏ với một cuốn nhật ký, một bệ xí và một nút khẩn cấp mà các “tù nhân tạm thời” có thể tự do sử dụng.

Mặc dù bị khóa từ bên ngoài nhưng các vị khách được hướng dẫn cách tháo chốt cửa từ bên trong. Những vị khách thường xuyên ghé thăm khu nghỉ dưỡng đặc biệt này nhấn mạnh rằng những thiếu thốn về tiện nghi trong các phòng giam đã được bù đắp bằng cách chữa bệnh tinh thần.

Trong suốt thời gian hoạt động, hàng trăm khách quen trên khắp đất nước đã trải nghiệm Prison Inside Me, bao gồm nhân viên văn phòng, các bà mẹ nội trợ và các học sinh trung học. Một chương trình thậm chí còn có sự tham dự của một cậu bé 13 tuổi.

 


Ông Kwon Yong-suk chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng khi ở một nơi nào đó một mình không phải dành ra quá nhiều thời gian cho điện thoại, công việc, các mối quan hệ, thuốc lá và rượu bia, cơ thể và trí óc tôi sẽ hồi phục, và suy nghĩ về tình trạng hiện tại, tương lai, và điều tôi sẽ phải làm sẽ trở nên rõ ràng. Thực tế là mọi người thường đến đây để tìm ra con người thực sự của mình.”

 

Hàn Quốc là một quốc gia nghiện làm việc ở châu Á, có thời gian làm việc dài thứ 2 trong số 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, chỉ xếp sau Mexico. Người Hàn Quốc làm việc 2069 giờ/năm, so với mức trung bình 1764 giờ/năm ở các nước OECD. Một ngày làm việc kéo dài 14 tiếng và 6 ngày làm việc/tuần không phải là điều mới mẻ ở quốc gia châu Á này.

 

Ngoài ra, nền giáo dục và việc làm cạnh tranh ở Hàn Quốc đã khiến cho người dân quốc gia này lo lắng quá nhiều về kinh tế và sinh ra những thói quen nguy hiểm tiềm ẩn. Năm ngoái, đã có một loạt các câu chuyện về những tài xế xe buýt do quá mệt mỏi nên đã ngủ quên khi đang lái xe dẫn đến tai nạn chết người.

 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người dân Hàn Quốc giống như ông Kwon đang tìm cách để thoát khỏi tình trạng kiệt sức, và Prison Inside Me có thể là một trong những giải pháp, dù kỳ lạ nhưng hữu hiệu, để họ đạt được mục đích này.