Tìm hiểu về nhân sâm Hàn Quốc
Thông tin về cây nhân sâm
Truyền thuyết kể rằng vị vua nổi tiếng Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc thường xuyên ăn nhân sâm với hy vọng sẽ đạt được sự trường thọ. Vua Yeongjong trong triều đại Jeseon của Hàn Quốc cũng chọn nhân sâm làm chế độ ăn uống thường xuyên của mình và ông đã sống thọ đến 83 tuổi.
Ngày nay, nhân sâm ở Hàn Quốc vẫn còn giữ nguyên được giá trị đáng quý của nó. Nhiều nghệ sĩ, vận động viên thể thao, người nổi tiếng ở xứ sở Kimchi đều cố gắng duy trì lối sống lành mạnh bằng việc ăn nhân sâm hàng ngày.
Thông tin về nhân sâm Hàn Quốc
Nhân sâm Hàn Quốc (Panax Ginseng) là một loại cây thân thảo mà củ và rễ của chúng được sử dụng để làm thuốc. Bởi vì có hình dạng khá giống cơ thể con người nên mới được gọi là nhân sâm.
Tuy trên thế giới cũng có nhiều nước trồng nhân sâm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… nhưng Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên được cho là nơi lý tưởng để nhân sâm phát triển vì có bốn mùa rõ rệt, nhiệt độ thích hợp, đất đai màu mỡ và lượng mưa đầy đủ cả năm. Nên nhân sâm thu hoạch sẽ chứa hàm lượng saponin cao nhất.
Thành phần có trong nhân sâm Hàn Quốc
Mặc dù nhân sâm ở Hàn Quốc có chứa rất nhiều axit amin, vitamin và khoáng chất nhưng công dụng tuyệt vời của nó phần lớn nhờ vào saponin. Các Saponin trong nhân sâm được gọi là “ginsenosides” để phân biệt Saponin tìm thấy trong một vài loại rau củ khác: tỏi, hành tây.
Theo như nghiên cứu khoa học thì Ginsenosides có khả năng tăng cường miễn dịch, giúp giảm căng thẳng, giúp lưu thông máu, cải thiện chức năng gan, làm chậm quá trình lão hoá vá thậm chí có thể chống lại bệnh ung thư.
Nếu đi du lịch Hàn Quốc và ghé thăm những vùng trồng nhân sâm thì du khách sẽ nghe người địa phương nhấn mạnh về “số 6 kỳ diệu”. Nhân sâm được trồng và thu hoạch sau 6 năm. Các Ginsenosides thì bắt đầu có vào năm thứ 3, đạt số lượng tối đa vào năm thứ 6. Qua năm thứ 6 mà không thu hoạch, chất lượng nhân sâm sẽ giảm mạnh vì khi đó rễ ngừng phát triển và trở nên thô ráp. Nên những người trồng củ sâm rất chú ý đến thời gian 6 năm này.
Tuỳ theo cách xử lý mà nhân sâm ở Hàn Quốc có tên gọi khác nhau:
– Sâm tươi (Susam hoặc saengsam): nhân sâm chưa qua chế biến.
– Bạch sâm (Baeksam): nhân sâm đã được làm sạch và sấy khô.
– Hồng sâm (Hongsam): nhân sâm có màu đỏ(đủ 6 tuổi), được hấp và sấy khô.
Cách bảo quản nhân sâm
Susam gồm 75% là nước nên rất dễ bị ẩm mốc. Nó cần phải được bọc giấy báo hay túi nhựa và để trong tủ lạnh. Khi lấy ra ngoài thì phải sử dụng ngay.
Baeksam thì có thể cất giữ hơn 1 năm nếu để ở nơi thoáng mát, không có nhiều độ ẩm. Đóng gói chân không Baeksam có thể bảo quản tới 3 năm còn đóng gói chân không Hongsam thì bảo quản được hơn 10 năm.
Cách chọn nhân sâm của Hàn Quốc
Theo thông tin ghi nhận thì sâm ở Hàn Quốc được thu hoạch vào tháng 10 – tháng 11 hàng năm vì đây là thời điểm sâm tươi có dược hiệu tốt nhất. Còn vào mùa hè thì lá phát triển mạnh, hoa nở nhiều nên củ sâm sẽ có hàm lượng saponin thấp nhất.
Với theo một số người thì nghĩ rằng củ sâm phải mập, có kích thướt lớn mới là có chất lượng tốt nhất nhưng thực tế cũng không phải vậy. Sâm cỡ lớn tuy đẹp nhưng tính dược hiệu của sâm Hàn Quốc lại không phụ thuộc vào kích cỡ. Độ lớn nên phù hợp với độ tuổi của sâm là tốt nhất.
Ở Hàn Quốc, sâm đẹp được coi là có hình dạng giống cơ thể người nhất với các bộ phận: đầu, thân, hai tay và hai chân rõ ràng. Du khách khi mua có thể lựa những củ sâm nào có 2 – 3 rễ lớn (chân) gắn vào phần thân, phía trên thân không có các đốm đỏ đen, các rễ phụ nhỏ còn nhiều và vẫn giữ được hình dạng nguyên vẹn.
Một số món ăn Hàn Quốc có nhân sâm
Món ăn có nhân sâm nổi tiếng nhất mà du khách nên thử khi đi du lịch Hàn Quốc chính là gà hầm sâm (samgyetang). Để chế biến món này, đầu bếp sẽ hầm gà chung với gạo nếp, nhân sâm, táo tàu, hạt dẻ cùng nhiều nguyên liệu khác nữa. Kết quả là tạo ra món súp thơm ngon, bổ dưỡng.
Ngoài ra, người dân địa phương còn làm món nhân sâm ướp đường, mật ong (insamjeong) hay là nước giải khát từ nhân sâm, sữa đặc và mật ong.
Những lưu ý khi dùng nhân sâm Hàn Quốc
Tuy là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng nhân sâm, cũng nên lưu ý các điều sau:
• Đừng nghĩ rằng nhân sâm là thuốc bổ, dùng càng nhiều càng tốt. Việc làm này là sai lầm Vì dùng quá nhiều nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm.
• Khi sắc hay hấp cách thủy nhân sâm, không được sử dụng đồ kim loại
• Sau khi dùng nhân sâm xong thì không được uống trà bởi trà sẽ làm giảm tác dụng của loại dược liệu này.
• Sau khi uống nhân sâm không được ăn đồ biển và củ cải – các loại thức ăn cấm kỵ đối với nhân sâm.
Viết bình luận: