THU NHỎ ĐẦU MŨI BẰNG PHƯƠNG PHÁP KHÂU MÁI VÒM
Khi nhắc đến những “chiếc mũi cà chua”, chúng ta sẽ dễ dàng liên tưởng ngay đến những chiếc mũi thô kệch, to bè với đầu mũi tròn, to, thậm chí là ửng đỏ y như quả cà chua chín. Khuyết điểm này khiến nhiều người không khỏi phiền não và cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp. Phương pháp phẫu thuật để thu nhỏ đầu mũi vì thế đã ra đời, nhằm phục vụ nhu cầu làm đẹp rất chính đáng không chỉ của chị em phụ nữ và cả cánh đàn ông nữa. Một trong những phương pháp thu nhỏ đầu mũi phổ biến nhất chính là phương pháp khâu mái vòm.
Cấu trúc mũi thế nào sẽ dẫn đến một đầu mũi tròn, to và ửng đỏ?
Đầu mũi tròn, to là kết quả trực tiếp của cấu trúc sụn ở phía trong hai bên lỗ mũi. Cấu trúc sụn này gồm hai phần đối xứng nhau qua sống mũi, thông thường có cấu trúc và hình dạng tương đồng với nhau. Hai phần sụn này một đầu sẽ kết hợp với sụn ở sống mũi để hình thành sự hỗ trợ và cấu trúc đầu mũi, đầu kia sẽ tách ra hai bên để cùng với phần sụn trên khoang miệng hình thành hai đường ống thở bên trong mũi.
Phần mà hai bên cấu trúc sụn này gặp nhau ở chóp mũi được gọi là phần mái vòm. Phần vòm này sẽ quyết định hình dạng của đầu mũi (chóp mũi). Nếu sụn vòm được định hướng phù hợp, chóp mũi sẽ có hình tam giác, hơi nhọn, nhỏ và thanh thoát. Nếu hai phần cấu trúc sụn cách xa nhau quá rộng, khi kết hợp sẽ tạo thành khoang sụn vòm to, rộng và tròn, kết quả là một chóp mũi tròn, to bè và thô kệch.
Những đầu mũi có phần vòm quá rộng cũng sẽ khiến cho da đầu mũi bị kéo căng hết cỡ, gây ra hiện tượng da ửng đỏ rất mất thẩm mĩ. Một số trường hợp bị viêm xoang, sổ mũi kéo dài cũng sẽ có đầu mũi đỏ tương tự.
Phương pháp khâu mái vòm được tiến hành như thế nào?
Phương pháp khâu mái vòm là phương pháp phẫu thuật mũi được áp dụng để tái định hình chóp mũi. Bác sĩ sẽ thay đổi cấu trúc sụn hai bên và ở phần vòm để tạo một đầu mũi thon gọn và nhọn hơn.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải trải qua những xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn bác sĩ, xem trước phác thảo mũi qua hình dựng 3D để hình dung rõ hơn về hình dáng mũi của mình sau khi phẫu thuật.
Sau khi bệnh nhân được vô trùng và gây tê cục bộ tại vùng mũi, bác sĩ sẽ thực hiện khâu mái vòm bằng cách rạch một đường nhỏ ở giữa hai bên lỗ mũi (bên trong mũi và ngay trên nhân trung). Bằng các mũi khâu với chỉ sinh học không tiêu, bác sĩ sẽ kéo hai bên sụn vào gần nhau, thu hẹp khoảng cách giữa chúng và tạo một góc kết hợp nhọn và cao hơn so với cấu trúc ban đầu. Kết quả sẽ tạo ra một chóp mũi nhọn, thon, cải thiện đáng kể cả hình dáng vùng sống mũi và đầu mũi sẽ không còn to tròn như trước.
Thời gian hồi phục và rủi ro đi kèm
Vì đây được xem là phương pháp phẫu thuật có xâm lấn nên bệnh nhân cần nghỉ ngơi ít nhất một tuần sau khi làm phẫu thuật, đồng thời uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ xuất hiện các tác dụng phụ như chảy máu bên trong mũi (do vết khâu chưa lành), dị ứng với chỉ (do cơ địa hoặc chỉ chưa được vô trùng hoàn toàn khi thực hiện). Vì thế, bệnh nhân cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của mình sau khi phẫu thuật. Bất cứ thay đổi nhỏ nào xuất hiện cũng nên đi khám lại càng sớm càng tốt.
Sau khoảng một tháng, khi cơ thể thích nghi với phần chỉ được khâu, phần sụn hai bên mũi cũng định hình rõ ràng, bệnh nhân sẽ thấy tác dụng cuối cùng của phương pháp phẫu thuật này. Trong thời gian đó, bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng, ăn đồ ăn mềm, giàu chất xơ, tránh đồ uống có chứa cồn và caffein.
Viết bình luận: