PHẪU THUẬT THU NHỎ ĐẦU MŨI BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẮT BỎ SỤN THỪA
Đầu mũi tròn, to bè luôn là khuyết điểm dễ thấy trên đa số phụ nữ châu Á, nhất là phụ nữ Á Đông. Thu gọn và tạo độ nhọn cho chóp mũi vì thế đã và đang trở thành nhu cầu làm đẹp bức thiết của chị em phụ nữ. Bên cạnh phương pháp khâu mái vòm, thì thu nhỏ đầu mũi bằng tiểu phẫu cắt bỏ sụn và da thừa cũng là một phương pháp phổ biến và được nhiều bác sĩ thẩm mĩ khuyên dùng.
Cắt bỏ sụn thừa đầu mũi là phương pháp gì?
Đầu mũi với kết cấu dạng vòm là điểm nối của cấu trúc sụn hai bên ống thở (lỗ mũi). Nếu hai bên cấu trúc sụn này không cách nhau quá xa, điểm nối được kết hợp đúng góc thì sẽ tạo thành chóp mũi hình tam giác mềm mại, thanh tú, ưa nhìn. Ngược lại, nếu hai bên sụn cách xa nhau, tạo góc rộng, tù thì chóp mũi sẽ có hình tròn, bè to và trông rất thô kệch, thiếu thẩm mĩ.
Khi ấy, phương pháp cắt bỏ sụn thừa của cấu trúc sụn hai bên ống thở sẽ khiến cho phần đầu mũi thon gọn và nhọn hơn.
Quá trình thực hiện
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình xét nghiệm tổng thể để đảm bảo rằng đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm, chụp CT hoặc MRI nếu cần để có thể xem được kĩ phần sụn hai bên ống thở cấu thành phần đầu mũi. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn là nên cắt bao nhiêu sụn để làm đầu mũi thon gọn hơn mà không ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của mũi.
Sau khi vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được vô trùng toàn bộ mặt và gây tê cục bộ vùng mũi để tiến hành cắt sụn. Thông thường, bác sĩ sẽ cắt bỏ từ 8-10mm cấu trúc sụn hai bên để phần mái vòm sẽ được thu nhỏ lại. Đây là con số an toàn bởi nếu cắt nhiều hơn, khả năng chống đỡ của cấu trúc sụn sẽ yếu đi rất nhiều, gây nguy cơ làm sụp mũi, gãy đầu mũi vì cấu trúc sụn bên trong không đủ dầy để nâng đỡ toàn bộ phần sống mũi bên trên và chóp mũi bên dưới.
Vì đây là một phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao (để cắt cân bằng lượng sụn hai bên lỗ mũi), khiến mũi không bị lệch sau khi thẩm mĩ, nên cần bác sĩ có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm và có hiểu biết sâu rộng về giải phẫu.
Sau khi cắt xong sụn, bác sĩ sẽ khâu lại phần da mũi bên ngoài, cố định mũi bằng nẹp cao su nếu cần.
Toàn bộ quá trình sẽ mất khoảng từ 1-2 tiếng.
Quá trình hồi phục và rủi ro
Sau một giờ đầu khi phẫu thuật, thuốc tê hết là bệnh nhân sẽ có cảm giác khá đau đớn. Khi ấy, bệnh nhân cần uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất nửa ngày.
Khi về nhà, bệnh nhân cần vận động, đi lại nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh vào mũi. Bệnh nhân cũng nên chú ý nằm ngủ riêng một thời gian, khi ngủ kê cao gối và nằm ngửa để tránh gây áp lực lên mũi. Tư thế đó cũng giúp bệnh nhân cảm thấy dễ ngủ hơn.
Những tác dụng phụ khác như sưng bầm, tấy đỏ vùng dưới mắt và khu trú mũi cũng sẽ xuất hiện tùy cơ địa từng người. Bệnh nhân có thể mát-xa nhẹ nhàng, chườm nước lạnh để giảm bầm tím. Những tác dụng này sẽ giảm dần và biến mất sau từ 2-3 tuần.
Một số bệnh nhân cũng có thể phải chịu những rủi ro nguy hiểm như nhiễm trùng, lệch mũi hoặc sụp chóp mũi (nếu như bác sĩ cắt sụn hai bên không đều hoặc cắt quá nhiều sụn). Bất kỳ phản ứng nào của cơ thể dù nhỏ nhất cũng nên được theo dõi và có hướng điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả lâu dài và đáng tiếc.
Viết bình luận: