CHẤT LIỆU ĐỘN NÀO TỐT NHẤT CHO NÂNG MŨI?
Nếu bạn thuộc gốc người Á Đông và muốn mũi của mình cao hơn, bạn sẽ cần trải qua thủ thuật gọi là phẫu thuật nâng mũi, theo đó mũi của bạn sẽ được thay đổi hình dáng bằng cách thêm chất liệu độn vào để tăng chiều cao sống mũi.
Hầu hết các bác sĩ thẩm mỹ sẽ nói với bạn rằng lựa chọn ưa thích của họ là nâng sống mũi bằng chất liệu sụn của bệnh nhân (còn gọi là “sụn tự thân”) được lấy từ một phần cơ thể bệnh nhân. Việc sử dụng sụn của bệnh nhân ít rủi ro hơn và mang lại kết quả tốt hơn so với việc sử dụng các chất liệu độn bên ngoài mà trong một số trường hợp có thể bị cơ thể từ chối, đâm thủng qua da hoặc gây nhiễm trùng.
Làm thế nào để lấy được “Sụn Tự Thân” dùng trong phẫu thuật nâng mũi?
Sụn tự thân có thể được lấy từ một vài nơi trong cơ thể bệnh nhân và thường gặp nhất là lấy từ mũi. Tuy nhiên, vì mũi người châu Á thường thấp nên có rất ít sụn trong mũi có thể lấy và sử dụng để tăng chiều cao sống mũi. Một chất liệu nữa có thể lựa chọn là sụn tai. Một vết rạch nhỏ thường được thực hiện bên trong hốc tai và một phần của sụn được lấy ra trước khi da ở tai được khâu lại. Thường là sau đó sẽ không nhìn thấy rõ sẹo để lại trên tai và hình dáng bên ngoài của tai không thay đổi.
Trong một số trường hợp, sụn tai không có sẵn do từng làm phẫu thuật trước đó, bác sĩ thẩm mỹ sẽ lấy sụn từ giữa xương sườn của bệnh nhân, hay còn được gọi là “sụn sườn”. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch dưới ngực và phía trên vùng bụng rồi lấy một phần sụn nhỏ thường là từ xương sườn thứ tám, thứ chín hoặc thứ mười. Vết rạch ngay sau đó được khâu lại. Các bác sĩ thẩm mỹ có kinh nghiệm sẽ đảm bảo rằng chỉ một phần sụn sườn vừa đủ được lấy ra để không kéo theo bất kì sự biến dạng nào trong lồng xương sườn. Sụn thu được từ tai hoặc xương sườn sẽ được cắt gọt và định hình bởi bác sĩ thẩm mỹ rồi đặt lên sống mũi để tăng chiều cao hoặc thậm chí dùng làm phần nối để kéo dài mũi.
Khi nào sử dụng chất liệu tổng hợp hoặc cấy ghép trong phẫu thuật nâng mũi?
Khi không có đủ sụn sẵn có trong cơ thể của bệnh nhân, đặc biệt là khi cần thay đổi đáng kể hình dáng mũi, bác sĩ thẩm mỹ sẽ phải sử dụng phương pháp cấy ghép tổng hợp để đạt được kết quả mong muốn. Một số lựa chọn cho chất liệu cấy ghép phổ biến nhất là Silicon và Gore-Tex.
Sụn cấy ghép bằng Silicon
Sụn cấy ghép bằng Silicon là một trong những chất liệu phổ biến nhất được sử dụng trong chỉnh hình nâng mũi. Phương pháp này sử dụng chất liệu tổng hợp được đặt vừa khít lên trên sống mũi. Có nhiều loại hình dáng và kích cỡ khác nhau như sụn cấy ghép hình chữ “L” hoặc hình chữ “I”. Sụn cấy ghép hình chữ “L” thường được sử dụng cho các bệnh nhân châu Á muốn tăng chiều cao của mũi trong khi cũng làm tăng độ rõ nét của đầu mũi.
Mặc dù chất liệu Silicon được chấp nhận rộng rãi nhưng nó khá cứng và đôi khi khiến cho mũi trông không tự nhiên, đặc biệt đối với những bệnh nhân có da mũi mỏng. Có một nguy cơ nữa là bất cứ chấn thương nào liên quan tới mũi cũng có thể làm cho sụn cấy ghép Silicon bị lệch so với vị trí ban đầu.
Sụn cấy ghép bằng Gore-Tex
Gore-Tex là chất liệu xốp và tương đối mềm hơn so với Silicon. Chất liệu này thường được sử dụng trong sản xuất quần áo thể thao. Do chất liệu có độ xốp (nghĩa là có các lỗ nhỏ li ti), mô của bệnh nhân có thể tương thích với chất liệu này theo thời gian, cho phép sụn cấy ghép kết dính với mô của bệnh nhân và trở thành một phần của cấu trúc mũi. Điều này giúp giảm khả năng mũi bị lệch hơn so với sụn cấy ghép bằng Silicon. Vì Gore-Tex mềm hơn Silicon nên nó có thể dễ dàng được tạo hình bởi các bác sĩ thẩm mỹ, và khi được đặt đúng chỗ, chất liệu này mang lại một hình dáng tự nhiên hơn cho mũi.
Nhược điểm chính của sụn cấy ghép Gore-Tex là nó có khả năng kết dính với mô mũi nên khi loại bỏ sẽ gây khó khăn trong trường hợp bị nhiễm trùng hoặc kết quả thẩm mỹ không như mong muốn sau khi tiến hành chỉnh hình nâng mũi. Hơn nữa, do Gore-Tex không cứng như Silicon, nó có thể thay đổi hình dạng theo thời gian, đặc biệt là theo độ tuổi.
Viết bình luận: