Tại khu vực tấp nập gần bến tàu điện ngầm Gangnam ở thành phố Seoul, khoảng 8 trung tâm ngoại ngữ tư thục đã cho mở các lớp dạy tiếng Việt, theo nhật báo Chosul Ilbo.

 

 

Nhân viên một trường ngoại ngữ cho biết: “Chúng tôi đã tăng số lớp học từ 1 lên đến 11 chỉ trong 1 tháng sau khi khai trương khóa dạy tiếng Việt. Chúng tôi phải tăng cường số giáo viên từ 2 lên 5 người”.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành “vùng đất cơ hội” đối với người Hàn kể từ khi Trung Quốc tẩy chay không chính thức hàng hóa và dịch vụ Hàn Quốc hồi năm ngoái.

Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và là thị trường quan trọng của Hàn Quốc. Cụ thể, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng 46,3% trong năm 2017.

“Hầu hết học viên học tiếng Việt để làm ăn ở Việt Nam. Đa số họ ở trong độ tuổi 30 và 40” nhân viên một trung tâm ngoại ngữ khác nhận xét.
Trả lời phỏng vấn báo Chosun Ilbo, một nhân viên văn phòng 41 tuổi giãi bày: “Tôi tranh thủ thời gian nghỉ trưa để học tiếng Việt. Tiếng Việt bây giờ được ưa chuộng hơn cả tiếng Hoa”.

“Làn sóng Hàn Quốc” (phim ảnh, nhạc K-pop, ẩm thực…) ở Việt Nam cũng góp phần giúp tiếng Việt được yêu thích ở Hàn Quốc.

“Người Việt thích văn hóa Hàn và muốn tìm hiểu về Hàn Quốc, đặc biệt sau khi ông Park Hang Seo – huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dẫn dắt đội vào vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á tháng 1 vừa qua” một người dân Seoul phát biểu với vẻ am hiểu.

 


Huấn luyện viên Park Hang Seo được xem là một cầu nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Khoảng 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tiến vào thị trường Việt Nam tính đến cuối năm 2017.

Ông Park Jong Woon, 54 tuổi, là chủ một công ty cơ khí ở Seoul. Ông mở văn phòng ở Việt Nam hồi tháng 2-2018 và đang tranh thủ học thêm tiếng Việt với một sinh viên mới ra trường.

“Việt Nam thích hợp cho làm ăn vì anh ít sợ bị lộ công nghệ như ở Trung Quốc, ngoài ra đất nước này ổn định về chính trị” ông Park giải thích.

Một vài công ty Hàn Quốc thậm chí tự mở lớp dạy tiếng Việt cho nhân viên do hoạt động kinh doanh ở Việt Nam quá “phất”.

Công ty sản xuất thực phẩm CJ Cheiljedang là một ví dụ. Doanh nghiệp này mở hẳn lớp dạy tiếng Việt vỡ lòng cho nhân viên 2-3 lần/tuần vì thực phẩm Hàn Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Cũng theo báo Chosun Ilbo, ngày càng nhiều người Hàn miệt mài ôn luyện để kiếm một tấm chứng chỉ tiếng Việt. Theo thống kê, khoảng 800 người nộp đơn cho bài thi nói tiếng Việt trong năm 2017, tăng 15% so với một năm trước.

Hơn 80% người thi tiếng Việt là nhân viên văn phòng trong độ tuổi 30-40, trong khi các ngoại ngữ khác ở Hàn Quốc người học thường trong độ tuổi 20.