1. Văn hóa chào hỏi

 

Việc cúi đầu chào hỏi là thói quen của người Hàn Quốc. Chào hỏi không chỉ thay lời hỏi thăm mà còn thể hiện sự thân thiện, lòng kính trọng mà người Hàn Quốc dành cho bạn. Cũng giống như người Nhật, khi chào hỏi người Hàn thường cúi đầu kết hợp nói những câu nói quen thuộc như “Annyeonghaseyo” (안녕하세요) hay “annyeonghashimnika” (안녕하십니까) với ý nghĩa “Xin chào, bạn có khỏe không?” hay “gamsahamnida” (감사합니다) là “Xin cám ơn”. Người Hàn Quốc thường nói sau khi kết thúc việc cúi đầu chào. 

Có một lưu ý rằng bạn luôn phải cúi đầu đáp lễ khi một người khác cúi đầu chào bạn, đó là phép lịch sự trừ khi vị trí của bạn thật sự cao hoặc bạn là bậc trưởng bối. Bình thường bạn không cần cúi đầu chào một đứa trẻ, thay vào đó nên có những cử chỉ như gật đầu, cười mỉm… thì chắc chắn sẽ làm đứa trẻ vui hơn và cảm thấy được tôn trọng.

 

 

 

2. Văn hóa ẩm thực

 

Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến những con phố ẩm thực nổi tiếng khắp thế giới như Galchi Jorim, Gongdeok hay phố nướng BBQ. Những con phố ẩm thực đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi ghé thăm Hàn Quốc. Ở đây bạn có thể tìm thấy tất cả những món ăn truyền thống với hương vị rất đặc trưng. Từ cháo gà Hàn Quốc Dakjuk, cơm trộn Bibimbap cho đến kim chi - quốc hồn quốc túy của người Hàn.

Bật mí một điều nho nhỏ có thể bạn chưa biết ở Hàn Quốc có đến hơn 180 loại kim chi. Để có thể thưởng thức hết số kim chi này bạn phải mất khoảng 6 tháng với mỗi ngày một món kim chi. Tuy nhiên cũng có những loại kim chi rất đặc trưng mà bạn chỉ cần ăn một lần là có thể cảm nhận được hết tinh hoa ẩm thực Hàn Quốc: kim chi cải thảo, kim chi củ cải, kim chi dưa chuột và kim chi nước củ cải.

 

 

 

3. Văn hóa trang phục

 

Trang phục truyền thống thể hiện những đặc trưng không thể trộn lẫn của mỗi quốc gia. Nếu đã từng tìm hiểu về Hàn Quốc chắc hẳn bạn sẽ biết Hanbok là trang phục truyền thống của người Hàn. Cách đây khoảng 100 năm, Hanbok được mặc như trang phục thường ngày nhưng ngày nay họ chỉ mặc hanbok trong dịp lễ Tết hay những ngày kỷ niệm đặc biệt.
Hanbok gồm hai loại dành cho nữ và nam. Hanbok của phụ nữ gồm jeogori (áo khoác ngoài) và chima (váy dài). Đối với nam giới, một bộ Hanbok bao gồm có Jeogori dài đến ngang hông, chiếc quần Baji, và bên ngoài sẽ là một chiếc áo choàng Durumagi.

 

 

 

4. Văn hóa tặng quà

 

Văn hóa tặng quà là một trong những nét thu hút khách du lịch đến với Hàn Quốc. Khi tặng quà cho người Hàn Quốc bạn chắc chắn sẽ được đáp lại bởi quà tặng thể hiện tình thân hữu, kính trọng giữa người với người.

Khi tặng quà, bạn nên sử dụng giấy gòi có màu đỏ và vàng, tránh sử dụng màu xanh lá cây, trắng, đen vì đây là những màu không may mắn. Tương tự số 7 là con số may mắn ở Hàn, hãy ưu tiên tặng quà có bội số là 7 và tránh tặng quà có bội số là 4.

 

 

5. Văn hóa uống rượu

 

Nếu như người Việt có văn hóa uống rượu thì người Hàn cũng không thua kém. Người Hàn Quốc uống rượu hàng ngày, rượu Soju của họ là thứ rượu được tiêu thụ nhiều nhất trong 11 năm liên tục. Đến Hàn Quốc bạn sẽ thấy Soju được bán ở mọi nơi, từ siêu thị, nhà hàng cho đến máy bán hàng tự động. Thậm chí người Hàn Quốc còn xây dựng bảo tàng để tôn vinh. Đặc biệt trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc nếu có cảnh các nhân vật ngồi uống rượu thì tất nhiên thứ rượu đó chính là Soju.

 

 

6. Văn hóa E-sports

 

Hàn Quốc được biết đến như kinh đô thê thao điện tử trên thế giới. Tại đây người ta thành lập cả Liên đoàn thể thao điện tử, có những kênh truyền hình riêng, những sân vận động riêng và có cả ngành học riêng về thể Trung ương Hàn Quốc. Các game thủ ở xứ này được đối xử như những vận động viên thể thao thực thụ, họ được coi trọng, có fans hâm mộ, có tiền thưởng và thậm chí những gamers có thành tích xuất sắc được coi như niềm tự hào quốc gia.

 

 

 

7. Hàn Quốc và sự ảnh hưởng của văn hóa Hallyu

 

Làn sóng Hallyu với những bộ phim truyền hình, những nhóm nhạc thần tượng ngày càng vượt xa khỏi biên giới Hàn Quốc, vươn đến châu Á, châu Âu mở rộng tới Mỹ. Giới trẻ trên thế giới phát cuồng vì những oppa, unnie xứ Hàn. Rất nhiều khách du lịch đã thừa nhận rằng họ đến Hàn Quốc chính vì làn sóng Hallyu đã ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến cuộc sống của chính bản thân họ.